Mặt trái của sự kỳ vọng

Theo xu hướng chung, nhiều gia đình có điều kiện thường gửi con ra nước ngoài từ khi còn học phổ thông, thậm chí là bậc học tiểu học, với mong muốn con sớm được tiếp xúc với nền giáo dục tiên tiến, hiện đại. Nhưng quan điểm này liệu có đúng và có khi nào gây ra những hệ quả không mong muốn?
Các chuyên gia giáo dục nhận định, một khi phụ huynh quyết định cho con du học ở độ tuổi ăn chưa no, lo chưa tới thì cần nhận thức rất nhiều hệ lụy có thể xảy ra với con mình. Có không ít bậc phụ huynh vì nóng lòng muốn con thành công sớm mà không dự liệu đến khả năng vô tình đẩy con trẻ vào tình trạng trầm cảm, thay đổi tính nết một cách tiêu cực, thậm chí đi ngược với mục tiêu giáo dục.
Sốc tâm lý và tổn thương khi còn quá trẻ
Ở độ tuổi non nớt, các em chưa có khả năng phân tích để tiếp thu một cách có chọn lọc những thay đổi của xã hội. Ngoài ra, lứa tuổi này, trẻ rất dễ bị hư hỏng, chơi bời, bị tác động bởi những mặt xấu của văn hóa phương Tây. Các em cũng luôn thích chứng tỏ mình bằng những hành động ngông cuồng, dễ bị bạn bè lôi kéo… Do đó đây là giai đoạn các em cần có gia đình bên cạnh để hướng dẫn mình khỏi những phút giây nông nổi, những lúc lầm đường lạc lối.
Nhưng khi bị "tung" vào môi trường hoàn toàn xa lạ, các em sẽ bắt đầu làm bạn với trạng thái đơn độc. Những cám dỗ của cuộc sống xa nhà, không có ai hướng dẫn, quản lý khi mà lứa tuổi của các em chưa làm chủ được suy nghĩ của mình khiến không phải em nào cũng đủ bản lĩnh để vượt qua.
Không thể khẳng định rằng có bố mẹ kè kè ở bên thì các em sẽ ngoan ngoãn hơn, xác lập được những đức tính tốt và tránh xa những tệ nạn đua đòi như: thuốc lá, cờ bạc, quan hệ tình dục sớm, ma túy…
Nhưng rõ ràng là ở tuổi này, kỹ năng sống của các em còn rất non nớt, khả năng tự lập hạn chế, lại đang trong giai đoạn khủng hoảng của sự phát triển nên rất khó để có thể sống và học tập xa bố mẹ.
Ở độ tuổi học THPT, khả năng tự lập của các học sinh, nhất là con em có điều kiện được bảo bọc từ nhỏ vẫn còn yếu. Thế nên nếu mạo hiểm cho con em đi du học sớm theo kiểu “tới đâu hay tới đó” cũng chưa hẳn là điều hay.
Trường hợp của T. là một ví dụ khá điển hình. T. được bố mẹ gửi sang Úc du học khi mới bước vào cấp 2. Thời gian đầu du học em rất chăm chỉ học. Thế nhưng sang năm thứ hai, T. gặp và yêu một bạn trai, sức học sút dần và kết quả là không theo kịp chương trình học.
Khi bị bạn trai chia tay, T. rơi vào tình trạng hụt hẫng, đau khổ không thiết sống. Không đủ bản lĩnh vượt qua nỗi đau, nhiều lần T. đã ám chỉ với bạn bè về việc tìm đến cái chết và khi bạn bè T. tìm thấy T. thì đã quá muộn. Bố mẹ T. khóc ngất khi nghe tin dữ. Đến tận bây giờ, bố mẹ em vẫn rất ân hận vì đã cho con đi học nước ngoài quá sớm và cái giá họ phải trả cho sự vội vàng của mình là quá đắt.
Một cựu du học sinh khác chia sẻ trên trang cá nhân: "Nếu được lựa chọn lại, mình sẽ muốn được đi du học từ năm 19 tuổi. Vì mình muốn trải qua giai đoạn vị thành niên cùng ba mẹ khi họ còn trẻ. Du học sớm cũng tốt nhưng mình mất đi cơ hội được thấy ba mẹ khỏe mạnh. Đi du học mất 10 năm, khi về ba mẹ mình đã già. Hai thế hệ xa cách lâu ngày, ngồi lại nói chuyện với nhau mới phát hiện có nhiều suy nghĩ khác biệt, khó dung hòa. Ba mẹ mình cũng mất đi cơ hội được thấy con mình mọc cánh vươn vai và trưởng thành hơn từng ngày".
Cân nhắc kỹ lưỡng
Với những ông bố bà mẹ có con đi du học nước ngoài, đây không chỉ là cơ hội học tập rèn luyện của con mà còn là một niềm tự hào vô cùng lớn đối với họ. Chính điều này đôi khi lại trở thành áp lực lớn khiến những cô cậu học trò non nớt không vượt qua được và hậu quả để lại vô cùng đáng tiếc.
"Bạn bè tôi hầu hết đều cho con đi học nước ngoài từ bậc THPT đôi khi không vì để con có được những kiến thức, kỹ năng sống tốt mà chỉ để hãnh diện với bạn bè, hàng xóm. Họ không biết như thế là vô tình tạo cho con những áp lực ngoài khả năng của con.
Bởi vì khi sang nước ngoài, không phải cháu nào cũng có kết quả học tập tốt vì lý do sức khỏe, không hòa nhập được với môi trường vì kỹ năng tiếng Anh, kỹ năng sống còn hạn chế, tâm lý bất ổn… Đến khi kết quả học của con không tốt thì cha mẹ quay sang mắng mỏ, nhiếc móc khiến các cháu bị tổn thương" – một phụ huynh chia sẻ.
Nhiều em sợ gia đình trách móc sinh ra sợ hãi nhút nhát hoặc thái cực khác là bất cần, dẫn đến sa ngã vào những tệ nạn. Có những trường hợp các em rơi vào bế tắc nên đã lựa chọn cái chết như một sự giải thoái. Sự kỳ vọng của cha mẹ lúc ấy không còn là động lực để các em phấn đầu nữa mà đã trở thành gành nặng.
Thực tế cho thấy, cho con đi du học sớm không hẳn là một xu hướng hợp lý, vì vậy các bậc cha mẹ nên cân nhắc thật kỹ trước khi đưa con mình vào một môi trường sống và học tập hoàn toàn mới mẻ.


Nhận xét